Làm sao để chọn doanh nghiệp tốt qua góc nhìn Xếp hạng Tín nhiệm

Tại webinar “Làm sao để chọn doanh nghiệp tốt qua góc nhìn Xếp hạng Tín nhiệm” do Kênh Tài chính Kinh doanh lên sóng ngày 25/03/2025, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings, đã đưa ra phân tích về ứng dụng thực tế của xếp hạng tín nhiệm (XHTN) trong quyết định đầu tư, đồng thời làm rõ các vấn đề liên quan đến đánh giá tín nhiệm của FiinRatings và cách sử dụng thông tin XHTN để tối ưu danh mục đầu tư.
Lợi nhuận luôn đi kèm rủi ro – Nguyên lý bất biến trên thị trường
Điều này thể hiện rõ trên các kênh tài sản tại Việt Nam – từ tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cổ phiếu blue-chips cho đến nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny stocks), nơi rủi ro gia tăng tương ứng với mức sinh lời kỳ vọng.
Tuy nhiên, điều nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý là rủi ro lớn nhất đến từ các doanh nghiệp có rủi ro đáp ứng nghĩa vụ nợ, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Điều này không chỉ thể hiện qua biến động giá cổ phiếu mà còn thể hiện rất rõ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) – nơi nhiều lô trái phiếu được giao dịch với mức lợi suất (YTM) vượt 50%, thậm chí lên tới 90%/năm, điển hình ở nhóm doanh nghiệp bất động sản tư nhân, những đơn vị đã hoặc đang trong quá trình tái cấu trúc nợ, chậm trả lãi.
Nhận diện 5 dấu hiệu doanh nghiệp rủi ro Mất cân đối tài chính cao
Nhà đầu tư hoàn toàn có thể chủ động nhận diện rủi ro mất cân đối tài chính của doanh nghiệp thông qua 5 chỉ báo quan trọng:
Thứ nhất, đòn bẩy tài chính (Nợ vay/vốn chủ sở hữu ) cao chính là tín hiệu cảnh báo sớm nhất. Nợ vay là toàn bộ công nợ có tính chất phát sinh lãi vay. Khi nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu vượt xa mức trung bình ngành, cùng với khả năng trả lãi và gốc vay suy yếu, doanh nghiệp đối diện nguy cơ mất khả năng thanh toán rất lớn. Tuy nhiên, cần xét theo đặc thù ngành và chu kỳ dự án – đòn bẩy cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa rủi ro cao (ví dụ như dự án hạ tầng hoặc năng lượng)
Thứ hai là chất lượng lợi nhuận thấp. Một doanh nghiệp dù tăng trưởng doanh thu nhưng nếu lợi nhuận đến từ các khoản tài chính bất thường thay vì hoạt động cốt lõi, cũng tiềm ẩn rủi ro lớn về tính bền vững.
Thứ ba là khả năng thanh khoản yếu, khi doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào vay ngắn hạn hoặc không đủ tiền mặt để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Quan trọng hơn, nhà đầu tư cần đánh giá chất lượng thanh khoản thực tế và khả năng dự phóng dòng tiền trong tương lai, thay vì chỉ nhìn vào số dư tiền mặt trên báo cáo tài chính.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp liên tục tăng vốn nhưng sử dụng vốn để đầu tư vào các cá nhân hoặc doanh nghiệp liên quan, hay có các dấu hiệu tiêu cực về quản trị như thay CFO, chậm nộp nghĩa vụ thuế, BHXH … cũng là hai chỉ báo cho thấy tình trạng tài chính tiềm ẩn rủi ro cao.
Ngoài ra, chứng chỉ quỹ cũng là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân muốn tiếp cận thị trường qua danh mục được quản lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thay vì chỉ nhìn vào tăng trưởng NAV, nhà đầu tư cần đánh giá chiến lược phân bổ tài sản, năng lực chọn lọc cổ phiếu, khả năng định thời điểm thị trường và mức độ kiểm soát rủi ro danh mục. Việc lựa chọn quỹ phù hợp cần dựa trên mục tiêu đầu tư và khẩu vị rủi ro của từng cá nhân.
Xếp hạng tín nhiệm – Công cụ lượng hóa và kiểm soát rủi ro hiệu quả
Xếp hạng tín nhiệm là công cụ đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp hoặc công cụ nợ trên một thang điểm chuẩn, giúp nhà đầu tư lượng hóa mức độ rủi ro.
Khác với báo cáo kiểm toán – vốn chỉ phản ánh bức tranh tài chính quá khứ, xếp hạng tín nhiệm (XHTN) là công cụ mang tính dự báo, giúp nhà đầu tư đánh giá toàn diện năng lực tài chính và khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp cả trong quá khứ và tương lai.
Theo thống kê của FiinRatings, trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ doanh nghiệp xảy ra sự kiện tín dụng tăng mạnh ở các nhóm có xếp hạng dưới mức đầu tư (từ mức BB trở xuống). Cụ thể, nhóm doanh nghiệp xếp hạng CCC có tỷ lệ vỡ nợ lên tới 41.9%, trong khi các doanh nghiệp nằm trong nhóm xếp hạng đầu tư (mức BBB trở lên) hầu như không phát sinh rủi ro.
Điều này lý giải vì sao lợi suất trái phiếu doanh nghiệp luôn tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của tổ chức phát hành. Những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu, xếp hạng tín nhiệm thấp, sẽ buộc phải trả mức lợi suất rất cao để hấp dẫn nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.
Định giá trái phiếu – Làm thế nào để biết một trái phiếu "đắt" hay "rẻ"?
Một nội dung quan trọng khác được phân tích là phương pháp định giá trái phiếu trên cơ sở so sánh rủi ro và lợi suất đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cần so sánh lợi suất của trái phiếu với lãi suất tiết kiệm hoặc một mức lãi suất tham chiếu tương ứng để tính toán phần bù rủi ro.
Nếu phần bù rủi ro mà nhà đầu tư nhận được nhỏ hơn so với rủi ro thực tế của doanh nghiệp, trái phiếu đó bị coi là đắt và không nên đầu tư. Ngược lại, nếu phần bù rủi ro đủ lớn, nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ hội này.
Các nền tảng dữ liệu FiinPro-X Platform hiện cung cấp đầy đủ thông tin về lợi suất trái phiếu (YTM), lịch sử tín dụng và dữ liệu tài chính giúp nhà đầu tư dễ dàng tra cứu và đưa ra quyết định chính xác.
Xếp hạng tín nhiệm là công cụ giúp nhà đầu tư nhìn rõ rủi ro, lượng hóa rủi ro và tối ưu hóa quyết định đầu tư. Việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp nhà đầu tư nhận diện doanh nghiệp tốt, mà còn là cơ sở để phân loại và lựa chọn cơ hội đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng cá nhân, tổ chức.
Quý vị có thể xem chi tiết Webinar: TẠI ĐÂY
FiinRatings
Tin liên quan