#5 Dấu Ấn Từ Hội Thảo “Tâm Điểm Tín Dụng Việt Nam 2025”: 160 Tỷ USD nguồn vốn hỗ trợ Mục tiêu Tăng trưởng 8% năm 2025: Việt Nam huy động nguồn lực từ đâu?

Ngày 17 Tháng Ba 2025

Trong khuôn khổ hội thảo “Tâm điểm Tín dụng Việt Nam 2025”, do FiinRatings và S&P Global Ratings đồng tổ chức, các diễn giả hàng đầu đã thảo luận chuyên sâu về thực trạng thị trường vốn, những thách thức trong việc huy động nguồn vốn và giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững. 

Tỷ lệ tín dụng/GDP cao, nhưng vấn đề còn là chất lượng và phân bổ tín dụng 

Bàn về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia cấp cao mảng Tài chính của Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong thời gian dài, Việt Nam đã tìm cách có được sự song hành giữa tăng trưởng tín dụng và GDP. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp và tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 140%, cao gấp đôi so với con số trung bình 50% của thế giới. 

Đây là vấn đề không mới, nhưng một vấn đề đặt ra là hiệu suất sử dụng vốn tín dụng đối với tăng trưởng GDP vẫn còn thấp, chưa được phân bổ hiệu quả vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. “Tính hiệu quả của vốn tín dụng với tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia khác”, ông Ketut Ariadi Kusuma nhận xét. 

 

Ông Ketut Ariadi Kusuma cũng chỉ ra một thực tế đáng lưu ý. Đó là, hoạt động sản xuất – bao gồm cả doanh nghiệp FDI – đang đóng góp ngày càng lớn vào GDP, nhưng mức độ tiếp cận tín dụng của lĩnh vực này lại chưa tương xứng. Trong khi đó, tín dụng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao, chủ yếu phục vụ nhu cầu cho vay mua bất động sản. 

Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, cần phân bổ vốn tín dụng vào các ngành có hiệu quả. Thay vì tập trung vào quy mô, cần tập trung vào chất lượng tín dụng”, ông Ketut Ariadi Kusuma nhấn mạnh. 

Tái cấu trúc thị trường vốn – Giải pháp giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings chia sẻ rằng “với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 tới 8% và nhu cầu vốn được ước tính 160 tỷ USD, bài toán vốn là một thách thức lớn cho tăng trưởng của Việt Nam chúng ta. Ngoài vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước đã có chỉ tiêu và dung lượng khá rõ thì chúng ta nên sớm phát huy vai trò của thị trường vốn mạnh mẽ hơn nữa để giảm áp lực lên hệ thống tín dụng ngân hàng. Bởi vai trò huy động vốn trung và dài hạn của TTCK còn hạn chế, thể hiện qua số tiền thu về từ phát hành cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán dưới 4 tỷ USD/năm trong năm 2024 và tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng cũng chỉ 6 tỷ USD năm 2024”. Điều này cho thấy gánh nặng và sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu gộp neo ở mức cao và bộ đệm vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam còn khá mỏng nếu so với các nước trong khu vực.  

Để kéo tỷ lệ tín dụng/GDP xuống trong ngắn hạn là điều khó, nhưng về dài hạn, thị trường vốn, gồm các kênh như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và các công cụ tài chính khác, cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc cung cấp nguồn lực tài chính dài hạn cho nền kinh tế. Nếu Việt Nam không sớm phát triển thị trường vốn, mục tiêu tăng trưởng cao năm nay và giai đoạn tới trở nên vô cùng thách thức. Xây dựng được thị trường trái phiếu, thị trường nợ hiệu quả sẽ giúp khơi thông được nguồn vốn trong dân, gồm gần 600 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm và hơn 90 tỷ USD của ngành bảo hiểm và quỹ hưu trí”, ông Thuân nêu quan điểm. 

Cải cách thị trường tài chính: Nâng cấp hệ thống để thu hút đầu tư 

Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cải cách thị trường tài chính đang là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đang tích cực làm việc để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Cần có các sản phẩm tài chính mới như trái phiếu xanh, tín dụng xanh để gia tăng lựa chọn cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đồng thời, tính minh bạch phải được cải thiện, thông tin về các rủi ro cần rõ ràng. Đặc biệt, cần cung cấp thông tin bằng tiếng Anh để doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận.” – ông Dũng chia sẻ. 

Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là hệ thống tái cấp vốn chưa đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn. Việc đơn giản hóa các quy trình pháp lý, xây dựng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư sẽ giúp cải thiện dòng vốn vào Việt Nam. 

Phát triển thị trường vốn nội địa: Giải pháp dài hạn cho nền kinh tế 

Ông Ketut Ariadi Kusuma nhấn mạnh rằng, phát triển thị trường vốn nội địa là một câu chuyện dài. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, Việt Nam phải dựa vào tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, nhưng vấn đề còn lại là chất lượng của tín dụng. Hiện hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực tăng vốn và nợ xấu. 

Ngân hàng cấp vốn ngắn hạn, có thể dựa vào tài sản bảo đảm và mối quan hệ riêng trong khi trái phiếu doanh nghiệp là vốn trung, dài hạn, dựa trên khế ước và sự minh bạch thông tin. Có nhiều điều cần phải làm để thị trường vốn phát triển lành mạnh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng”, ông Ketut Ariadi Kusuma khuyến nghị. 

Quý vị có thể xem chi tiết: 
Tài liệu chia sẻ của các Diễn giả tại sự kiện (bản Tiếng Việt): TẠI ĐÂY  
Tài liệu chia sẻ của các Diễn giả tại sự kiện (bản Tiếng Anh): TẠI ĐÂY

______________________________________________

Giới thiệu về FiinRatings

Công ty Cổ phần FiinRatings (“FiinRatings”) là một thành viên của FiinGroup và là đối tác hợp tác kỹ thuật của S&P Global Ratings, hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm được cấp phép bởi Bộ Tài chính. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ đa dạng, bao gồm xếp hạng tín nhiệm, xác nhận trái phiếu xanh và đánh giá độc lập (Second Party Opinion - SPO), đáp ứng nhu cầu của các nhà phát hành, các bên cho vay và nhà đầu tư nhiều ngành nghề tại Việt Nam.  

Dịch vụ SPO của FiinRatings cung cấp đánh giá độc lập về tài liệu liên quan đến công cụ tài chính bền vững, khung chính sách hoặc giao dịch có tuân thủ các nguyên tắc do các tổ chức uy tín như Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) và Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI). Đặc biệt, FiinRatings là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam được phê duyệt làm đơn vị xác minh theo Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu của CBI.

FiinRatings


Tin liên quan