Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2025: Kỳ vọng cải thiện lượng và chất

Ngày 05 Tháng Hai 2025

Năm 2024 đánh dấu một năm phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ trong năm 2023. Quy mô thị trường đạt 1.26 triệu tỷ đồng, tương đương 11.2% GDP, tiếp tục khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của kênh huy động vốn này đối với nền kinh tế, là nền tảng tiến tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030 của Chính phủ. 

I. Diễn biến thị trường TPDN 2024 

Tổng giá trị phát hành TPDN trong năm 2024 đạt 443.7 nghìn tỷ đồng, tăng 26.8% so với năm 2023 (số liệu cập nhật tại ngày 31/12/2024). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng huy động vốn của doanh nghiệp phục hồi, cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường TPDN dần được cải thiện sau thời gian thị trường nhiều biến động ở các năm trước.  

Biểu 1: Giá trị phát hành TPDN theo hình thức phát hành, 2020-2024 

 

Nguồn: FiinRatings, HNX. Số liệu cập nhật tại ngày 31/12/2024. 

Về cơ cấu phát hành theo ngành, nhóm tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng 69% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm bất động sản (BĐS) (19%) và các ngành sản xuất (3%).  

Giá trị phát hành của nhóm tổ chức tín dụng tăng đáng kể so với năm 2023 (hơn 50%), trong bối cảnh tiền gửi dân cư tăng trưởng chậm, các ngân hàng huy động vốn qua hình thức phát hành TPDN sôi nổi hơn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng cũng như đáp ứng các tỷ lệ an toàn liên quan đến vốn trung dài hạn. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn cho thấy tốc độ phục hồi chưa khả quan khi hoạt động phát hành giảm so với năm trước, trong đó nhiều lô trái phiếu phát hành mới với mục đích thanh toán các lô trái phiếu cũ đáo hạn. 

Biểu 2: Cơ cấu phát hành TPDN theo ngành, 2023-2024 

Blue arrows pointing up in the sky

Description automatically generated 

Nguồn: FiinRatings, HNX 

Kỳ hạn trung bình của TPDN phát hành mới trong năm 2024 ở mức 4.0 năm, tăng nhẹ so với mức 3.6 và 3.1 năm của năm 2023 và 2022, thể hiện rõ nhất ở nhóm Tổ chức tín dụng và Sản xuất & kinh doanh, khi các tổ chức chủ động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn nhằm phục vụ nhu cầu cấp tín dụng và sản xuất trung dài hạn ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, riêng nhóm bất động sản ghi nhận kỳ hạn trung bình giảm, phản ánh sự thận trọng của doanh nghiệp trong việc cân đối thời hạn và nguồn tiền trả nợ. 

Mặt bằng lợi suất TPDN có sự phân hóa rõ rệt theo nhóm ngành và mức độ tín nhiệm. Đối với nhóm ngân hàng, lợi suất trung bình ở mức 5.6%, giảm so với mức 6.5% của năm 2023, đi cùng với xu hướng mặt bằng lãi suất cho vay và huy động giảm năm vừa qua. Ngược lại, nhóm bất động sản lại ghi nhận lãi suất phát hành tăng (từ 9.2% lên 10.4%), phần nào cho thấy rủi ro đối với nhóm này vẫn ở mức cao.  

Biểu 3: Lãi suất trung bình TPDN theo ngành, 2023-2024 

Nguồn: FiinRatings, HNX 

Đặc biệt, các trái phiếu có bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng hoặc tổ chức quốc tế uy tín như CGIF và GuarantCo thường có kỳ hạn dài và mức lợi suất thấp hơn so với trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh cùng kỳ hạn. Ví dụ, 2 lô trái phiếu đều được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo phát hành bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (IDI) và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai có kỳ hạn lần lượt là 8 và 20 năm, lãi suất lần lượt 5.6% và 5.8%. Các lô trái phiếu xanh này đều tuân thủ bộ nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), được xác nhận độc lập bởi FiinRatings. 

Tỷ lệ trái phiếu có vấn đề năm 2024 (bao gồm chậm trả và tái cơ cấu) giảm xuống mức 3,5% (số liệu tính đến 31/12/2024), thấp hơn đáng kể so với mức 15,3% của năm 2023, cho thấy năng lực tài chính của các nhà phát hành đang dần được cải thiện. Tại thời điểm cuối năm 2024, ước tính 214 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn trong năm 2025, trong đó tập trung chủ yếu vào các tổ chức tín dụng (102 nghìn tỷ đồng) và nhóm bất động sản (41 nghìn tỷ). Áp lực đáo hạn sẽ tập trung vào thời điểm quý III và quý IV của năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng với bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn và khả năng trả nợ của doanh nghiệp được cải thiện, rủi ro vỡ nợ trái phiếu được đánh giá ở mức thấp hơn so với các năm trước. 

II. Điểm nhấn và triển vọng thị trường năm 2025 

Bước sang năm 2025, thị trường TPDN được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với một số điểm nhấn chính: 

Thứ nhất, bên cạnh các tổ chức tín dụng là nhóm ngành phát hành dẫn dắt thị trường, năm nay nhiều khả năng sẽ ghi nhận hoạt động phát hành sôi động hơn ở nhóm ngành phi tài chính bao gồm bất động sản, hạ tầng cơ bản như năng lượng tái tạo và nước sạch, v.v..  

Cụ thể, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phát hành lượng lớn trái phiếu để củng cố nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 dự kiến ở mức 16%, đồng thời tuân thủ các tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước.  

Với ngành bất động sản, chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi sẽ diễn ra mạnh hơn vào nửa đầu 2025 khi được tháo gỡ pháp lý trên diện rộng trong việc triển khai các dự án mới, nhờ đó nhu cầu vốn cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới. 

Với ngành năng lượng tái tạo, việc Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách triển khai quy hoạch điện VIII nhằm giải quyết vấn đề rủi ro thiếu điện từ năm 2026 sẽ giúp nhiều dự án được triển khai theo cơ chế mới và từ đó nhu cầu vốn dài hạn qua kênh TPDN sẽ sôi động trở lại. 

Thứ hai, thị trường gần đây ghi nhận một số doanh nghiệp đa ngành phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm độc lập, được bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức quốc tế và được quan tâm bởi nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Cụ thể, lần đầu tiên có 3 lô trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm đều được thực hiện bởi FiinRatings, trong đó có 2 lô trái phiếu đạt mức “AAA” do Công ty Cổ phần nước Biwase – Long An và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai phát hành và được bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức quốc tế uy tín, lần lượt là CGIF (quỹ tín thác của ADB) và GuarantCo (đơn vị chuyên về bảo lãnh tín dụng thuộc Tập đoàn PIDG). Các yếu tố này khẳng định niềm tin nhà đầu tư quay trở lại nếu như trái phiếu có sự minh bạch hơn, cũng như cho thấy chất lượng hàng hóa đang dần được cải thiện, kỳ vọng trong năm tới sẽ tiếp tục giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN.  

Biểu 4: Tỷ lệ TPDN được xếp hạng tín nhiệm tại các nước ASEAN 

Nguồn: FiinRatings, CGIF. Ghi chú: Số liệu của các nước (trừ Việt Nam) tại ngày 31/12/2021, số liệu của Việt Nam tại ngày 31/12/2024 tính trên tổng giá trị TPDN lưu hành. 

Thứ ba, chất lượng tín dụng trên thị trường được kỳ vọng cải thiện nhờ các quy định mới về điều kiện phát hành và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm. Theo quy định của Luật Chứng khoán sửa đổi vừa thông qua, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được đầu tư TPDN riêng lẻ trong trường hợp trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm (XHTN) và có tài sản bảo đảm hoặc được XHTN và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. TPDN chào bán rộng rãi qua công chúng cũng đang đợi những sửa đổi của Nghị định 155/2020 yêu cầu về XHTN và tỷ lệ tài chính của doanh nghiệp phát hành. 

Với những điểm nhấn trên, thị trường TPDN Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu quy mô thị trường 20% GDP vào năm 2025, cần có sự nỗ lực của tất cả các bên tham gia thị trường trong việc minh bạch hóa thông tin, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng tín dụng. 

______________________________________________

Giới thiệu về FiinRatings:  

Công ty Cổ phần FiinRatings (“FiinRatings”) là một thành viên của FiinGroup và là đối tác hợp tác kỹ thuật của S&P Global Ratings, hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm được cấp phép bởi Bộ Tài chính. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ đa dạng, bao gồm xếp hạng tín nhiệm, xác nhận trái phiếu xanh và đánh giá độc lập (Second Party Opinion - SPO), đáp ứng nhu cầu của các nhà phát hành, các bên cho vay và nhà đầu tư nhiều ngành nghề tại Việt Nam.  

Dịch vụ SPO của FiinRatings cung cấp đánh giá độc lập về tài liệu liên quan đến công cụ tài chính bền vững, khung chính sách hoặc giao dịch có tuân thủ các nguyên tắc do các tổ chức uy tín như Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) và Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI). Đặc biệt, FiinRatings là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam được phê duyệt làm đơn vị xác minh theo Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu của CBI.  Ư1

FiinRatings


Tin liên quan