Cải thiện Chất lượng Công tác Kế toán – Tài chính nhằm tối ưu chi phí vốn cho doanh nghiệp

Ngày 06 Tháng Mười Một 2024

Đây là chủ đề của bài tham luận của ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings tại Hội nghị Thường niên của Câu Lạc Bộ Kế toán Trưởng Toàn Quốc (VCCA) thuộc Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 2/11/2024 vừa qua. Hội nghị diễn ra nhân dịp Kỷ niêm 35 năm thành lập VCCA. 

Chủ đề của hội nghị năm nay là “Tái cấu trúc nghề nghiệp kế toán Việt Nam” và đã quy tụ hơn 500 kế toán trưởng và người làm quản lý công tác kế toán tài chính tại các doanh nghiệp lớn trên toàn quốc. 

Từ góc nhìn của một đơn vị chuyên về phân tích dữ liệu tài chính và xếp hạng tín nhiệm độc lập, ông Thuân đề cập xu hướng thay đổi của người làm nghề tài chính – kế toán cũng như mối quan hệ giữa chất lượng của công tác kế toán – tài chính tới xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và qua đó góp phần tối ưu chi phí vốn của doanh nghiệp ra sao.  

Một số điểm nhấn của bài trình bày bao gồm: 

  • Vai trò của người làm tài chính – kế toán đang chuyển đổi rất mạnh mẽ: Trích dẫn một nghiên cứu mới đây của McKinsey, người làm quản lý tài chính hiện dành trên 51% cho các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng (bao gồm việc tham gia vào Phân tích và Lập kế hoạch Tài chính, Quản trị thanh khoản, huy động & phân bổ vốn, Lập Chiến lược Kinh doanh, Quản trị Rủi ro, Xây dựng Chính sách, Chuyển đổi Doanh nghiệp, v.v.)  thay vì tập trung vào công tác hạch toán-kế toán và báo cáo tài chính. So với thời điểm 10 năm trước đây, họ cũng gia tăng hơn 19% thời gian phân bổ cho các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng ngoài các hoạt động kế toán và báo cáo tài chính cho tổ chức của họ. 

  • Chất lượng công tác quản trị tài chính tốt thì cơ hội có kết quả xếp hạng tín nhiệm cao: bởi các tiêu chí thực hiện xếp hạng tín nhiệm rất coi trọng chất lượng của công tác quản trị tài chính nhằm hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp trong việc cải thiện minh bạch thông tin tài chính, chất lượng báo cáo tài chính, lập kế hoạch tài chính và kế hoạch ngân sách và giám sát thực hiện cũng như công tác kiểm soát rủi ro tài chính và hỗ trợ cho công tác huy động và quản trị cơ cấu vốn, đòn bảy của doanh nghiệp.  

Ông Thuân cũng chia sẻ khung Phương pháp luận và các nhóm tiêu chí tài chính và phi tài chính trong quá trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm một doanh nghiệp. Theo đó, các tiêu chí về tài chính như mức độ đòn bẩy tài chính, các chỉ số đánh giá khả năng chi trả lãi và gốc nợ vay, tính ổn định của dòng tiền, cấu trúc nguồn vốn, quản trị thanh khoản, v.v. chiếm một tỷ trọng rất lớn trong việc xác định mức độ xếp hạng tín nhiệm của một doanh nghiệp. Đây không chỉ là các tiêu chí được thực hiện bởi các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập như FiinRatings mà còn được rất chú ý bởi các ngân hàng thương mại cũng như các đối tác tài chính và kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào. 

  • Xếp hạng tín nhiệm cao thì có cơ hội giảm chi phí vốn: thông qua phân tích dữ liệu về đường cong lợi suất trái phiếu theo kết quả xếp hạng tín nhiệm, các doanh nghiệp được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm tốt thì thường có mức chi phí vốn thấp hơn. Điều này thể hiện qua lãi suất danh nghĩa khi phát hành thấp hơn và đường cong lợi suất trái phiếu (yield) thấp hơn. Từ đó ông Thuân khuyến nghị người làm công tác tài chính – kế toán cần đặc biệt lưu ý để làm sao tham mưu và cố vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác quản trị tài chính và tối ưu chi phí vốn nhờ những lưu ý về các quyết định tài chính. Điều này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc là công ty đai chúng trong việc xây dựng một chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn và phát triển cơ sở nhà đầu tư trên thị trường vốn mà còn góp phần cải thiện hồ sơ năng lực kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng các cơ hội kinh doanh, xuất nhập khẩu và làm ăn với các đối tác nước ngoài. 

  • 04 khuyến nghị nhằm nâng tầm vai trò của người làm kế toán – tài chính: từ đó, bài trình bày cũng đưa ra 04 gợi ý chính, bao gồm: (i) Mở rộng phạm vi công việc vượt ra ngoài các hoạt động mang tính giao dịch; (ii) Giúp Bộ phận Tài chính dẫn dắt dựa trên Dữ liệu; (iii) Cải thiện quá trình ra quyết định của doanh nghiệp dựa trên Phân tích Dữ liệu; và (iv) Chuyển đổi mô hình vận hành của Ban Tài chính với năng lực mới. 

  • Khi nào DN nên xem xét thực hiện XHTN? Để có thể tối ưun chi phí vốn từ góc nhìn của hoạt động xếp hạng tín nhiệm, ông Thuân cũng chia sẻ những tình huống khi nào thì một doanh  nghiệp nên xem xét thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Các tình huống bao gồm:  

  1. Khi doanh nghiệp có nhu cầu cải thiện hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn  

  2. Khi doanh nghiệp muốn xác định mức chi phí vốn tối ưu 

  3. Khi muốn đàm phán với NĐT về kỳ hạn, lãi suất của công cụ nợ 

  4. Khi có nhu cầu đa dạng hóa, mở rộng cơ sở NĐT, tối ưu chi phí vốn 

  5. Khi trao đổi, đàm phán cơ hội hợp tác với đối tác kinh doanh nhằm thể hiện sức mạnh tài chính của doanh nghiệp 

  6. Khi xây dựng chiến lược kinh doanh và quản trị rủi ro nội bộ 

  7. Thuộc trường hợp bắt buộc thực hiện xếp hạng tín nhiệm theo quy định hiện hành 

Ông Thuân cũng chia sẻ các quy định pháp lý hiện nay có yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm hiện nay cũng như dự thảo một số quy định mới khi doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu trên thị trường vốn. 

Quý vị có thể tải về tài liệu thuyết trình của đại diện FiinGroup/ FiinRatings TẠI ĐÂY

FiinRatings


Tin liên quan