Câu hỏi thường gặp

1. Xếp hạng tín nhiệm là gì?

Xếp hạng tín nhiệm thể hiện ý kiến của đơn vị xếp hạng về khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ đầy đủ và đúng hạn. Thang điểm xếp hạng tín nhiệm gồm nhiều mức điểm khác nhau, thể hiện mức đánh giá khác nhau về khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của Tổ chức phát hành Tham khảo Hệ thống thang điểm xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings tại đây

2. Đơn vị xếp hạng tín nhiệm khác biệt gì so với Trung tâm thông tin tín dụng?

Đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra ý kiến liên quan đến khả năng trả nợ trong tương lai của bên đi vay. Trung tâm Thông tin tín dụng cung cấp thông tin về lịch sử tín dụng của bên đi vay.

3. Xếp hạng tín nhiệm khác với kiểm toán như thế nào?

Đơn vị xếp hạng tín nhiệm dựa vào nhiều nguồn thông tin khác nhau, bao gồm cả các thông tin nội bộ và thông tin đại chúng, báo cáo thường niên, báo cáo tài chính kiểm toán đã được công bố để đưa ra ý kiến về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ trong tương lai. Đơn vị kiểm toán thường sử dụng các tài liệu, dữ liệu nội bộ, kết hợp với một số thông tin bên ngoài nhằm đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính với số liệu lịch sử.

4. Một tổ chức hoặc công cụ nợ được xếp hạng tín nhiệm thì có đảm bảo sẽ không rơi vào tình trạng vỡ nợ hay không?

Xếp hạng tín nhiệm không phải là sự đảm bảo việc đáp ứng nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành hay công cụ được xếp hạng. Kết quả xếp hạng tín nhiệm là ý kiến về mức độ rủi ro tương đối liên quan đến khả năng trả nợ dựa trên khung phương pháp luận của đơn vị xếp hạng tín nhiệm dùng để đánh giá năng lực tín dụng của tổ chức phát hành.

5. Nếu tổ chức phát hành trả tiền cho dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, làm thế nào để đơn vị xếp hạng duy trì được tính độc lập?

Mặc dù tổ chức phát hành là bên chịu chi phí thực hiện dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư và các thành viên thị trường mới là những người sử dụng kết quả xếp hạng đó nhiều nhất. Giống như bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào khác, "giá trị" của kết quả xếp hạng phụ thuộc vào góc nhìn và quan điểm của nhà đầu tư. Quan điểm của nhà đầu tư lại phụ thuộc vào độ tin cậy của các kết quả xếp hạng do đơn vị xếp hạng thực hiện. Do vậy, bản thân đơn vị xếp hạng tín nhiệm cần duy trì tính độc lập để đưa ra các ý kiến chính xác, khách quan nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm cũng duy trì các quy tắc ứng xử và đạo đức, chính sách kiểm soát xung đột lợi ích, chính sách kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo tính khách quan, độc lập cho ý kiến xếp hạng. Tham khảo thêm về các chính sách của FiinRatings tại đây

6. Các nhà đầu tư được lợi như thế nào từ dịch vụ xếp hạng tín nhiệm?

Xếp hạng tín dụng nhiệm giúp nhà đầu tư có thể đánh giá, so sánh các lựa chọn đầu tư, bổ sung thông tin cho quá trình phân tích và ra quyết định của chính nhà đầu tư, đồng thời giúp quản lý tài sản đầu tư hiệu quả hơn. Tham khảo thêm về lợi ích mà xếp hạng tín nhiệm mang lại cho các nhà đầu tư tại đây

7. Dấu trừ trong kết quả xếp hạng có hàm ý tiêu cực liên quan đến hoạt động của tổ chức phát hành hoặc khả năng thanh toán nợ của tổ chức đó không?

Các ký hiệu cộng và trừ được sử dụng để chỉ ra sự khác biệt rõ ràng hơn trong một nhóm điểm. Dấu trừ trong điểm xếp hạng không có ý nghĩa tiêu cực nào liên quan đến hoạt động hoặc khả năng thanh toán nợ của tổ chức phát hành. Tham khảo thêm về ý nghĩa các thang điểm xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings tại đây

8. Điểm xếp hạng tín nhiệm có thể thay đổi hay không?

Kết quả xếp hạng tín nhiệm được xác định dựa trên những kỳ vọng và giả định nhất định về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức phát hành. Tuy nhiên, các yếu tố này có thể thay đổi, khiến kết quả hoạt động của các tổ chức được xếp hạng sai lệch đáng kể so với kỳ vọng. Điều này sẽ dẫn đến các thay đổi trong điểm hoặc triển vọng xếp hạng tín nhiệm.

9. Việc điểm xếp hạng tín nhiệm bị điều chỉnh giảm có đồng nghĩa với việc sắp xảy ra vỡ nợ hay không?

Không chắc chắn. Trong hầu hết các trường hợp, việc hạ điểm xếp hạng không có nghĩa là sắp xảy ra tình trạng vỡ nợ đối với Ttổ chức phát hành hoặc công cụ nợ đó. Sự điều chỉnh thể hiện rủi ro liên quan đến nghĩa vụ nợ ở mức cao hơn một cách tương đối so với trước đó.